Thời Trang

Fake là gì? Bootleg là gì? Tác động của chúng lên thời trang như thế nào?

Fake là gì mà Bootleg là gì – Fake và Bootleg là hai khái niệm cũng có điểm giống mà cũng có điểm khác với “Steal là ăn trộm” và “Inspiration là cảm hứng” mà chúng ta luôn nói. Cũng giống như câu “Good artists copy-Great artists steal” – “ Kẻ làm nghệ thuật vừa vừa thì copy mà kẻ vĩ đại cướp luôn thành của mình” thì câu chuyện “Fake-Bootleg” cũng từa tựa như thế. Tác động của chúng lên tới thời trang như thế nào ?

PHÂN BIỆT FAKE LÀ GÌ ? VÀ BOOTLEG LÀ GÌ?

FAKE LÀ GÌ ?

Fake – hẳn rồi, đạo nhái. Một sản phẩm Fake là một sản phẩm sẽ theo công thức “Ctrl C (Copy) và Ctrl V (Paste)”, nghĩa là sao chép giống hoàn toàn một sản phẩm nào đó đã có mặt trên thị trường trước đó. Hoặc nếu không phải thì nó đã bị fake ngay từ khi sản phẩm chính hãng còn đang trong giai đoạn sản xuất và chưa kịp tung ra thị trường.

Các bạn đều biết nhiều thương hiệu thời trang thế giới sử dụng outsourcing, tức là một bên thứ ba đảm nhiệm phần gia công – sản xuất. Có thể là Trung Quốc (nhưng hiện tại xưởng may thế giới đang di dời qua các nước khác), cũng có thể là nước ta. Giai đoạn mà các thiết kế được đưa tại xưởng thì có nguy cơ lộ thiết kế hoặc các xưởng cũng “rắp tâm” khi có sẵn dây chuyền, vật liệu còn công nghệ thì khoảng 70-80%. Một là họ tự fake hai là bán cái bản thiết kế đó cho một bên khác chuyên sản xuất các mặt hàng giả.

Hàng Fake thì không có tên tuổi – Đúng, nó núp dưới bóng của hàng thật. Hàng giả sẽ được tiếp thị trên thị trường với tư cách như là một sản phẩm gốc. Còn về việc giá cả, nếu bên bán hàng ít nhất còn ít lương tâm với khách hàng thì nói thẳng đây là đồ fake và bán rẻ hơn nhiều so với giá của hàng thật. Còn nếu kẻ xấu muốn trục lợi thì – hẳn ai cũng biết rồi – chúng ta sẽ mua đồ Phake giá Riu. Như các em Gen Z hay tìm Riu Lớp vậy.

Hàng Fake giờ đây tinh xảo đến nỗi, nếu không phải dấn chân trông cái giới thời trang này đủ lâu và đủ độ tinh tường thì mới nhận ra được. Còn không – dưới ánh đèn của thánh Alibaba và con trap, cũng chẳng ai mảy may nhận ra nó là hàng giả hay là hàng thật. Fake từ sản phẩm, fake từ người bán và đến cả fake thương hiệu. Năm 2018 – Samsung từng có 1 tin đồn hợp tác với Supreme, nhưng hài hước thay – đó không phải là Supreme đến từ NYC mà chúng ta từng biết, đó là Supreme Italia.

Supreme Italia được xem như là 1 thể thức tối cao “mặt dày như cái thớt” của Fake khi cái hãng này không fake đồ Supreme như chúng ta hay xem trên Taobao mà fake luôn cả thương hiệu. Và cũng chẳng hiểu vì sao – do thể chế pháp luật giữa các nước khác nhau về vấn đề bản quyền, Supreme Mỹ chẳng thể nào kiện thành công được Supreme Fake Italia. Hơn những thế hãng còn mở 1 hẵn flagship store to đùng bên Trung Quốc – rồi hàng Real sao chơi lại Fake ?

Nói đâu xa ngay trước mắt, tại nước Việt Nam chúng ta trong khi các Local Brand đang không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu từ các khâu lên ý tưởng , thiết kế mẫu mã, cho đến khâu sản xuất và phân phối các sản phẩm, thì các bạn Faker nghiễm nhiên tự cho mình cái quyền được ‘ sở hữu trí tuệ” của người khác. ?

Xây dựng nên một thương hiệu là rất khó. Tâm huyết, mồ hôi, nước mắt, và cả tiền. Với mỗi bộ sưu tập là chất xám, là thời gian, là công sức của bao nhiêu con người, để rồi một ngày nọ họ thấy một cái áo hàng chợ có nguyên thiết kế của thương hiệu của mình trên đó.
Những chiếc áo có giá bán 50-70k, thậm chí ko bằng nổi tiền vải cho một sản phẩm chính hãng chất lượng cao. Và đương nhiên thứ đồ đó như rác. Vải dỏm, may tệ, in lệch in nghiêng, cốt sao dính được cái hình lên miếng vải.

BOOTLEG LÀ GÌ ?

Theo từ điển thì nó sẽ là giống như một mặt hàng buôn lậu vậy. “A Product that is illegally made, copied, or sold”. Trong thế giới thời trang, thì bootleg được xem là một dạng “Biến cái của người khác thành cái của mình” (Cũng giống như câu nói mà mình để phía đầu bài là Great Artists Steal) thì bootleg không quảng bá các sản phẩm của mình là hàng chính hãng.

Bootleg không sao chép giống hàng fake mà là “vay mượn” các thương hiệu khác phù hợp (Có thể liên quan hoặc không liên quan trong thời trang) lên các sản phẩm Bootleg của mình và mang tính “Creative”/Sáng tạo nhiều hơn. Tuy là nó copy bản gốc – hễ ai nhìn vào sản phẩm đó cũng dễ dàng nhận ra nó là thương hiệu nào, nhưng với độ tùy biến của người thiết kế. “Trông là nó nhưng không phải nó”, các sản phẩm Bootleg tạo nên cảm giác “Thú vị” xen lẫn chút “Ranh ma” của nhà thiết kế hay những người làm sản phẩm bootleg.

Nhiều khi – thương hiệu còn chưa có nhánh đó mà đã có những sản phẩm Bootleg đã ra rồi. Tiêu biểu như thương hiệu Tommy Hilfiger. Những năm 90, Tommy Hilfiger còn chưa có nhánh Tommy Sport nhưng một “ai đó” đã làm 1 bản bootleg đặt tên là “Tommy Sport” với cách lấy màu sắc trắng, đỏ, xanh dễ dàng nhận thấy của Tommy lên các sản phẩm sweater, hoodie và jacket của mình. Hài hước thay, các sản phẩm bootleg này lại vô cùng được ưa chuộng và unique trên thị trường. Người ta kháo nhau về “Tommy Sport” dù rõ ràng biết nó là 1 bootleg vì vốn dĩ nó không official. Thành công đến nỗi sau này Tommy Hilfiger phải có nhánh Tommy Sport vốn dựa trên ý tưởng từ bootleg này.

Trong thế giới thời trang đường phố – một người Bootleg nổi tiếng và tác động nhiều đến hiện tại phải nói tới cụ Dapper Dan của phố Harlem (Nơi xuất thân của nhiều rappers nổi tiếng bây giờ). Chung quy thời điểm đó, LV/Gucci hay bất kì một brand luxury nào với giá thành cao và nhắm tới tầng lớp thượng lưu – vốn dĩ là nơi cư ngụ của người da trắng. Người da màu – đặc biệt là các anh rappers – cũng có nhu cầu flexin’.

Dapper Dan

Dapper Dan suy nghĩ về việc tại sao bọn thương hiệu thời trang kia lại có thể in 1 chiếc logo lên 1 cái áo rồi bán giá cả trăm cả ngàn đô. Thế là các bản bootleg logo nổi tiếng ra đời và được cộng đồng Mĩ Phi ưa chuộng suốt thời gian đó, cũng góp phần đưa Dapper Dan trở thành huyền thoại. Oái ăm thay, người làm bootleg trước không được công nhận rồi sau này – khi mà streetwear đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp thời trang, thì Gucci lại có bản hợp tác với Dapper Dan (Vốn chẳng được mấy hãng thời trang lớn ưa gì vào khoảng thời gian trước). Đúng là “Thời thế thay đổi – Lòng người đa đoan”.

Hiện tại thì chắc phải nhắc tới Demna Gvasalia – từ thời Vetements đến Balenciaga, ông trùm thời trang đường phố chắc cũng “bootleg” kha khá các sản phẩm trên tay trải dài từ DHL,McDonald, Internet Explorer, Champion…

Demna Gvasalia

Nó cũng đưa “Bootleg” trở thành một hiện tượng trong nền công nghiệp thời trang vào các năm 2017-2018. Các thương hiệu bị “bootleg” cũng không can thiệp gì mấy – vì vốn dĩ “được PR không công” và nếu đẹp thì okay mà xấu thì kiện (Như Nike đấy). Gucci cũng từng có 1 collection sử dụng những logo bootleg của những thập niên trước lên các sản phẩm của mình và bán rất chạy.
Vậy đến đây mình cũng thấy khá nhập nhằng “Bootleg” mượn ideas từ các thương hiệu hay các thương hiệu mượn ideas từ các “Bootleg” .

Thôi thì Good artists copy – Great artists steal vậy.

LỜI KẾT

Sự thật là nếu không có nhu cầu, sẽ không bao giờ có nguồn cung. Nếu không có người đồng ý mua hàng giả, hàng nhái, hàng FAKE, sẽ không bao giờ có nhà xưởng và con buôn bán ra những hàng này. Nếu thương hiệu là RÁC, sẽ chẳng ai đi làm nhái để ôm mớ hàng tồn ko bán được. Còn riêng Bootleg không phải là 1 công cụ tốt vì nó cũng là con dao hai lưỡi có thể cắt đứt bất kì một thương hiệu nào quá lạm dụng trò này. Vốn dĩ, DNA của brands được xem là đối trọng để khách hàng phân biệt với những đối thủ cạnh tranh khác. Nếu không xác định được rõ thời trang của mình làm vì cái gì, chủ đề gì mà cứ chăm chăm “bootleg” thì việc quên lãng hay nuốt chửng bởi các thế lực lớn hơn sẽ là 1 điều vô cùng dễ hiểu.