Grunge Aesthetic – “bụi,đất” làm nên cái chất chơi
Áo quần luộm thuộm cộng với một thái độ sống bất cần có khi chỉ là một phong cách phổ biến nơi đường phố, nhưng lại là một câu chuyện dài của thế giới ngầm. Vì vậy mà không phải ngẫu nhiên Grunge style (phong cách luộm thuộm) vẫn luôn được nhắc đến như một quá khứ huy hoàng của những kẻ ngạo đời, để rồi trở thành nguồn cảm hứng mới cho nền thời trang xa xỉ.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy bản thân đang đắm mình đâu đó trong những chiếc áo sơ mi kẻ, lấy áo trong làm áo ngoài cùng những chiếc quần jean bạc phớ…thì hãy nghĩ ngay đến Grunge Aesthetic – một phong cách đã làm nên đặc trưng cho dòng nhạc alternative rock và một lối ăn mặc hoang dã tự nhiên của thập niên ’90.
Mục Lục Bài Viết
Vậy Grunge Aesthetic là gì?
Grunge (/ɡrənj/) là một từ miêu tả sự bụi bặm mà có thể nói là bẩn – thô lỗ (Dirty/Dirt), một phong cách nhạc rock được sáng tác bởi raucous guitar sound and lazy vocal delivery ( Một thứ âm thanh khàn và giọng ca lười =)) ). Rộng hơn, Grunge là một thể loại nhạc rock và sub-culture xuất hiện vào những thập niên 80s, nở rộ ở Mỹ – đặc biệt là quê hương của nó, Seattle và ảnh hưởng xung quanh. Grunge là sự kết hợp giữa punk và metal trong rock.
Grunge không phải đơn thuần là 1 style thời trang, đó là âm nhạc, là phong cách sống và văn hóa
Hành trình thời gian Grunge
Grunge không phải là thời trang mà chúng ta thường nghĩ – thậm chí Grunge sơ khai còn không đi theo tiêu chuẩn của thời trang lúc đó nữa. Từ Seattle, những gã nhạc rock sống lang thang (Trước khi nổi tiếng) – khờ dại đi theo đam mê của mình. Một thành phố ngập tràn trong mưa, bùn lầy và giai cấp bình dân, những cửa hàng từ thiện rất nhiều. Và đó khởi đầu cho một từ “Thrift Shop” – Thrift shop là 1 cửa hàng dành cho mục đích từ thiện, không phải là chuyên bán đồ secondhand. Toàn bộ đồ ở đây là do những người không sử dụng đồ đó nữa, họ mang tới cửa hàng thrift/một là tặng, hai là bán với mức giá rẻ. Toàn bộ doanh thu thu được từ bán đồ, sau khi trừ các chi phí duy trì hoạt động của cửa hàng – sẽ dùng cho mục đích charity/từ thiện. Vậy là từ Thriftshop mà chúng ta sử dụng ngày nay cũng có phần lệch lạc.
Thrift và Grunge – có liên hệ mật thiết với nhau. Vì những gã thanh niên mê rock, ngủ vật vờ trên những chiếc sofa bỏ đi, không thể nào có tiền mà ăn mặc lả lướt được. Họ phải mua quần áo từ những tiệm thriftshop mình kể trên và mặc trên người. Dĩ nhiên, không phải món nào cũng lành lặn và cũng đúng size mà người ta chọn. À thế là những cái sự vá, thêu, DIY bắt đầu hình thành (Mà ngày nay chúng ta hay gọi là custom) – những chiếc áo rách được thêu patch khéo léo, những chiếc quần oversize được crop lại, phụ kiện cũng tự tạo nên. Còn việc mặc rộng thùng thình – đó đã là chuyện quen thuộc. Neil Young, Kurt Cobain, Smashing Pumpkins, Soundgarden tất cả đều trải qua câu chuyện như thế. Khi họ thành công, tư tưởng sử dụng đồ và thời trang đó – đã ăn vào máu của họ và cũng là thứ để nhắc nhở về quá khứ nghèo khổ của mình, tượng trưng cho sự vùng lên của giai cấp lao động và bình dân và được công nhận bởi những gã bề trên. Bump! Grunge phát triển từ đó. Vậy Grunge không chỉ gói gọn trong những thứ mà các bạn đang mặc, Grunge nó là tất cả/ là mọi thứ mà các bạn có thể DIY được – vì thứ thời trang này, xuất phát từ những cửa hàng từ thiện.
Câu chuyện lại đi vào vòng tuần hoàn, khi Grunge cùng các nhạc rock trở nên nổi tiếng và thu hút mọi ánh nhìn của bao thanh niên thập niên 80-90s. Người ta muốn trở nên bụi bặm, ngầu như Kurt Cobain, người ta đổ xô đi tự custom đồ và tạo thành thứ gọi là “Thời trang Grunge”.
Những gã nhà giàu cũng muốn theo xu hướng và khẳng định mình – nhưng họ không thể nào lại hạ giá mà tới các cửa hàng thrift được. Nhận thấy miếng bánh béo bở đó, các hãng thời trang vào cuộc với tinh thần “Lấy cảm hứng từ Grunge”. Bắt đầu là Marc Jacobs, sau này là hàng loạt các hãng như các bạn đã biết như Saint Laurent Paris, Off-white, FoG,…
Nhưng đáng nói hơn đó là Marc Jacobs vì có lẽ ông là người tiên phong và được nhắc nhiều nhất khi mà mang cái sự bẩn và chắp vá của Grunge lên sàn diễn thời trang.
Vào năm 1992, Marc Jacobs đang là làm việc cho thương hiệu đồng tên nổi tiếng Perry Ellis. Jacobs – 1 cậu chàng fashion designer trẻ măng lúc đó, 29 tuổi – đã đánh liều đưa Grunge, trộn tất cả mọi thứ lên sàn runway với tình yêu của Kurt Cobain, Courtney Love. Áo flannel, granny dresses (váy bà ngoại), Dr. Martens và những chiếc áo knit thêu hình đầu lâu/skull. Cũng vì liều mà ngay lập tức, Marc Jacobs đã bị Perry Ellis sa thải ngay sau đó vì đã phá hỏng hình tượng runway. Nhưng nó lại trở thành biểu tượng của Marc Jacobs và niềm cảm hứng của hàng loạt nhãn hàng thời trang sau này (Có cái tên của Alexander Mc Queen và Hedi Slimane..)
Grunge ngày nay đã mang vẻ “sạch sẽ hơn rất nhiều” so với ngày xưa. Nó phù thuộc vào tư duy và tinh thần của mỗi fashion designer. Cũng có nhiều người nhầm lẫn rằng Grunge là Flannel, nhưng không – flannel được Grunge trở thành làm thứ iconic, nhưng nó không đại diện cho Grunge. Nhưng xin nhắc lại Grunge không phải đơn thuần là thời trang, nó là phong cách sống và miêu tả của 1 thời kì khó khăn, bụi bặm và đậm chất bình dân từ thành phố Seattle hay nước Mỹ thập niên 80s – 90s.
Làm sao để có một Grunge Aesthetic cho riêng mình?
Quần Jean rách ? Tại sao không !
Chìa khoá đầu tiên để chinh phục phong cách Grunge đó là chọn cho mình một chiếc quần jeans phủi bụi đúng điệu. Những chiếc quần jean sờn rách luôn là một item tiêu biểu cho phong cách này. Nhìn chung, quần jean rách đã không được lăng xê nhiều như trước nữa; nhưng chúng vẫn có thể trở thành một điểm nhấn thú vị cho tổng thể trang phục.
Thêm những điểm nhấn cùng Hip-hop
Khi các rapper đã và đang trở thành những thần tượng mới trong mắt giới trẻ, thì chúng ta có thể thấy cách họ “hô biến” những giá trị xưa cũ để định hình nên phong cách của bản thân tuyệt vời như thế nào. Không chỉ là những đôi bốt quân đội hay những chiếc áo chui đầu dài tay; các rapper đã kết hợp cùng các điểm nhấn mang dấu ấn hip hop thuần như các phụ kiện trang sức
Tạo dấu ấn cho riêng mình
Gần như mọi thứ mà Kurt Cobain khoác lên người đều được tay nhạc rock quá cố này customs lại. Từ chiếc quần jean rách cho đến miếng vá cho đôi converse cổ cao… Tất cả đều tạo ra những món hàng độc nhất vô nhị khiến nhiều người tò mò và mong muốn sở hữu cho mình. Đừng ngại ngần để tạo ra những dấu ấn thú vị mang đậm dấu ấn riêng biệt cho phong cách của bạn.
Biết giới hạn
Mặc dù Grunge luôn tôn vinh những cá tính mạnh mẽ và riêng biệt; nhưng hãy luôn nhận thức rõ ranh giới. Chọn cho mình những chìa khoá phù hợp với cơ thể của bạn như đừng quá lạm dụng quần ống quá rộng kẻo bị “nuốt dáng”. Hay hãy tiết chế độ rách của chiếc quần jeans cho những sự kiện phù hợp.
Phong cách Grunge đã sống cùng thời gian. Chúng không chỉ là một phong cách thời mà đã trở thành một nền văn hoá và lối sống cho nhiều thế hệ. Không cần bạn phải khoác lên trên mình những chiếc quần jean rách hay những chiếc áo sơ mi ca rô thùng thình thì mới gọi là Grunge Aesthetic. Mà hãy sống đúng như tinh thần của chúng: tạo dựng sự khác biệt để cho mình tiếng nói riêng, bỏ ngoài tai những định kiến rườm rà để là chính bản thân mình hơn.